TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ, ĐƯỢC GÌ?
Thừa kế di sản của người chết để lại là quyền lợi hợp pháp của người thừa kế, dù đó là người thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật. Tuy nhiên, trong xã hội có nhiều trường hợp việc phân chia di sản này đã làm phát sinh nhiều mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản dẫn đến tranh chấp.
Di sản là gì?
Di sản được hiểu là một khối tài sản riêng thuộc quyền sở hữu của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác để lại cho người còn sống. Di sản thừa kế có thể là hiện vật, tiền, giấy tờ trị giá được thành tiền, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản. Người được hưởng di sản thừa kế có thể là những người có tên trong di chúc của ngưởi chết hoặc nếu người chết không có di chúc thì di sản đó được chia thừa kế theo pháp luật.
Khi thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, mọi người có quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân. Những người hưởng thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa các thành viên trong gia đình, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế.
Dù nhiều hay ít ai cũng có thể hiểu được những khái niệm cơ bản về di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Nhưng thực tế vì nhiều lý do khác nhau mà những người hưởng di sản thừa kế không coi nặng tình huyết thống trong gia đình, không xem yếu tố tình thân là hàng đầu, hay không tuân thủ theo luật định của pháp luật lại dẫn đến xung đột, tranh chấp.
Ai là người giải quyết tranh chấp di sản thừa kế?
Thay vì các thành viên trong gia đình, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế có thể ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung nhằm thực hiện việc phân chia di sản trong sự hòa thuận. Nhưng ngược lại, có không ít trường hợp vì cố giành lợi ích cho mình mà cố tình xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác, không trung thực khi kê khai di sản thừa kế, dùng nhiều thủ đoạn nhằm muốn chiếm đoạt di sản thừa kế chung thành tài sản riêng của mình.
Nếu như không tự phân chia được di sản thừa kế thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp di sản thừa kế là thuộc Tòa án. Do vậy, khi không tìm được tiếng nói chung trong quá trình giải quyết việc phân chia di sản thừa kế thì các bên có quyền đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết theo thẩm quyền. Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành các thủ tục và luôn tôn trọng để cho các bên thỏa thuận, hòa giải với nhau, các bên không được dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, bắt các bên thỏa thuận, phân chia không phù hợp với ý chí và nguyện vọng của mình.
Tranh chấp di sản thừa kế, được gì?
Hiện nay, không ít người luôn coi trọng giá trị vật chất mà quên đi giá trị tinh thần khi phân chia di sản thừa kế. Các tranh chấp về di sản thừa kế xảy ra ngày càng nhiều, từ những mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được dẫn đến những mâu thuẫn trầm trọng, có những tranh chấp đã gây ra hậu quả khôn lường, không những gây thiệt hại đến tài sản mà còn tước đoạt cả tính mạng với nhau.
Trong suốt quá trình hành nghề luật sư, chúng tôi đã nhận được rất nhiều những yêu cầu tư vấn về việc giải quyết tranh chấp phân chia di sản thừa kế giữa các thành viên trong gia đình, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế. Có những mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những cuộc cải vã, ẩu đã giữa chính những người thân trong gia đình. Mặc dù các bên đã được tư vấn, giải thích nhiều phương án phân chia nhưng họ vẫn cố chấp, luôn tạo ra những mâu thuẫn không thể hòa giải được.
Có thể một trong các bên sẽ nhận được phần di sản như mong muốn nhưng ngoài phần di sản đó là tình cảm trong gia đình đã rạn nứt, đổ vỡ. Chưa kể đến việc kể cả khi đã được giải quyết xong tranh chấp thì giá trị tài sản đã không còn như ban đầu, ngoài ra các bên còn phải chịu những thiệt hại không đáng có trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Tiếc thay, có những trường hợp bất chấp lời tư vấn của luật sư, không ghi nhận sự phán quyết của Tòa án, nhưng vì lợi ích của mình mà không ít cá nhân sẵn sàng đổi mạng khi tranh giành di sản thừa kế. Hậu quả cuối cùng là người chết, người phải chịu cảnh lao tù, tình cảm ruột thịt, huyết thống trong gia đình vĩnh viễn không còn. Hậu quả chỉ là sự đen tối trong sự tranh giành quyền hưởng thừa kế!
Do vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trước hết các thành viên trong gia đình, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế hãy cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc, thỏa thuận phân chia di sản một các minh bạch, có thể nhờ đến những người có hiểu biết về pháp luật góp ý, tư vấn để mọi người có thể đưa ra những quyết định hợp tình, hợp lý nhất để giữ được hòa khí với nhau.
BP LAW