GỢI Ý MỘT SỐ GIẢI PHÁP KINH TẾ VÀ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRƯỚC ĐẠI DỊCH
Trước sự hoành hành khốc liệt của đại dịch Covid-19, bước đầu doanh nghiệp không kịp trở tay để ứng phó với những rủi ro từ dịch bệnh. Hiện nay, đại dịch vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều ngành, nghề kinh doanh. Tuy nhiên, trước bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải có sự xoay chuyển liên tục theo định hướng, kế hoạch cũng như phương thức thực thi các kế hoạch đó. Doanh nghiệp phải biết thích nghi với những hoàn cảnh mới, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt mà dịch bệnh đã tác động sẽ giúp cho mỗi doanh nghiệp vững vàng trước những khó khăn, tự cứu mình trước khi trông chờ vào những gói hỗ trợ của Chính phủ.
Thời gian qua, cho thấy những doanh nghiệp trong các ngành, nghề cung cấp dịch vụ như: hàng không, lữ hành và khách sạn đang đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu của khách hàng cũng như doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và rủi ro thanh khoản cũng gia tăng. Nhưng ở một thái cực khác, một số ngành, nghề mà doanh nghiệp lại đang tìm thấy các cơ hội tăng trưởng và mở rộng, có thể kể đến như: giao nhận hàng hóa, thương mại điện tử, công nghệ phục vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm.
Tuy nhiên, điều Chúng tôi muốn nói là trong nguy có cơ, cho thấy vẫn có những điểm sáng và cơ hội phía trước. Các doanh nghiệp có lợi thế ngành, nghề chiến lược thích ứng dài hạn, và được điều chỉnh phù hợp, sẽ có thể nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát sinh ngắn hạn và các cơ hội mới trong dài hạn.
Vậy định hướng, kế hoạch, chiến lược nào để doanh nghiệp tồn tại, thích ứng và sau đó tận dụng được các cơ hội để phát triển ra sao? Ở góc độ kinh tế và pháp lý, mức độ và chiều hướng tác động của Covid-19 lên các ngành, nghề có sự khác nhau nên sẽ không có một công thức chung về chiến lược thích ứng cho tất cả các doanh nghiệp. Về tổng thể, thì các doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược thích ứng theo những nhóm giải pháp sau:
- Thứ nhất: Doanh nghiệp tập trung quản lý khủng hoảng và quản lý thanh khoản. Ví dụ, thiết lập bộ phận nhân sự phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề bất thường phát sinh về an toàn lao động, nguồn cung ứng, nguyên liệu sản xuất. Đây là cách làm hiệu quả mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng. Quản lý thanh khoản, cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa thật sự cần thiết và theo dõi chặt chẽ nợ/công nợ nhằm phòng ngừa và tránh những phát sinh tranh chấp. Các kế hoạch mua sắm tài sản có thể xem xét gác lại và lựa chọn các giải pháp thay thế như thuê tài sản để duy trì lượng tiền mặt dự phòng đủ lớn như là một giải pháp tránh rủi ro pháp lý phát sinh.
- Thứ hai: Doanh nghiệp hướng đến tạo ra những giá trị ngắn hạn thông qua việc rà soát và đưa ra các giải pháp có thể thực hiện ngay để tăng hiệu quả hoạt động và tăng dòng tiền. Các giải pháp có thể bao gồm rà soát lại danh mục đầu tư và bán hoặc thoái vốn thích hợp, phân bổ lại nguồn lực đầu tư nhằm tối ưu hiệu quả, và tối ưu các khoản vay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng xem xét lại cơ cấu sản phẩm, cơ cấu khách hàng, và chính sách giá; rà soát lại công tác mua sắm và chi phí chuỗi cung ứng, tối ưu thuế và tối ưu vốn lưu động. Tuy nhiên, những chương trình cắt giảm thường không tạo ra các động lực tăng trưởng và phát triển trong dài hạn, thậm chí việc siết chặt chi phí và các nguồn lực quá mức có thể tác động tiêu cực đến khả năng tăng trưởng và phát triển trong tương lai, đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới sau khủng hoảng.
- Thứ ba: Doanh nghiệp cần tập trung vào chiến lược tái định vị, bao gồm cải tổ mô hình kinh doanh, xem xét lại mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, và cải tổ phương thức phản hồi, nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với hành vi và nhu cầu khách hàng. Vì đây chính là nội dung cốt lõi trong giai đoạn “bình thường mới” trong và sau đại dịch.
- Thứ tư: Doanh nghiệp xây dựng các kịch bản ứng phó, đồng thời xem xét sâu và rộng hơn các ảnh hưởng vĩ mô, thay vì tập trung chủ yếu vào các yếu tô vi mô như trước đây; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.
- Thứ năm: Doanh nghiệp cần quan tâm đến hoạt động chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng, dẫn dắt sự liên kết giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với nền tảng số. Bên cạnh đó, hoạt động M&A chiến lược và đầu tư vào những doanh nghiệp mới khởi nghiệp có thể trở nên sôi động khi mà việc định giá được các nhà đầu tư nhìn nhận là hợp lý hơn.
Các nhóm giải pháp này, có thể thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp, hoặc được sắp xếp ưu tiên thực hiện tùy vào tình hình thực tế và khả năng từ các nguồn lực của từng doanh nghiệp. Dưới góc nhìn của mình, BP LAW hy vọng các doanh nghiệp có thể vận dụng những nội lực của mình cũng như những ngoại lực khác giúp cho doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trong và sau đại dịch.