DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO?
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (Covid – 19) gây ra và kéo dài trong suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn và khủng hoảng. Theo Báo Thanh niên: “Gần 34.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước), gồm: 18.600 doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%; 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%)”. Con số này thể hiện sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đối với nền kinh tế Việt Nam.
Khi không còn có thể giải quyết bài toán tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh được nữa, hoặc vì các lý do khác như: vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiêp nên các doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động và tiến hành các thủ tục giải thể.
1. Giải thể doanh nghiệp là gì?
Giải thể là chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp trên thực tế và về mặt pháp lý. Khi giải thể, doanh nghiệp cũng phải tiến hành các thủ tục giải thể như khi đăng ký doanh nghiệp, ngoài ra còn có các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm, lương… và cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Có nhiều trường hợp khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tiến hành giải thể nên vẫn còn nhiều sự nhầm lẫn giữa phá sản và giải thể doanh nghiêp. Giải thể có nghĩa bao hàm rộng hơn phá sản, khi giải thể bao gồm nhiều trường hợp khác nhau thì phá sản chỉ có trường hợp là do doanh nghiệp mất khả năng chi trả cho các khoản thanh toán và không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Và không phải khi nào doanh nghiệp mở thủ tục phá sản cũng dẫn đến chấm dứt hoạt động kinh doanh dẫn đến giải thể.
2. Doanh nghiệp giải thể trong trường hợp nào?
Doanh nghiệp có thể quyết định giải thể theo ý chí của mình hoặc giải thể bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp giải thể tự nguyện, khi hết thời hạn hoạt động kinh doanh trong điều lệ mà công ty không muốn tiếp tục kinh doanh, hoặc công ty gặp những khó khăn trong quá trình kinh doanh và không thể tiếp tục kinh doanh, công ty có thể tiến hành giải thể.
Đối với các trường hợp giải thể theo quy định của pháp luật vì không đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật có thể bao gồm:
– Khi thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty đã hết không có quyết định gia hạn thêm. Vì vậy khi hết thời hạn tại điều lệ, công ty nên gia hạn thời gian hoạt động kinh doanh để tránh trường hợp buộc phải giải thể.
– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
– Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty làm giả mạo, gian dối, không đúng với thực tế;
– Khi doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 12 tháng mà không có bất cứ một thông báo nào với cơ quan đăng ký kinh doanh cũng như cơ quan quản lý thuế;
– Các trường hợp khác khi công ty thành lập không đúng với quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp và các trường hợp bị cấm trong Luật doanh nghiệp.
– Ngoài ra, công ty bị giải thể bắt buộc còn bao gồm các trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
3. Thẩm quyền quyết định giải thể
Đối với trường hợp giải thể tự nguyện:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu quyết định
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do hội đồng thành viên quyết định
- Công ty cổ phần do hội đồng cổ đông quyết định
Đối với trường hợp giải thể bắt buộc:
Khi có quyết định của Tòa án có thẩm quyền, cơ quan quản lý của doanh nghiệp có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty buộc phải ra quyết định giải thể bởi chủ sở hữu, hội đồng thành viên và hội đồng cổ đông như trong trường hợp trên.
4. Hậu quả pháp lý
Sau khi tiến hành giải thể theo đúng trình tự và thủ tục, giải quyết các nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nghiệp chấm dứt tồn tại và bị xóa khỏi hệ thống đăng ký doanh nghiệp.
Khi đã giải thể, công ty không được: cất giấu, tẩu tán tài sản; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp; ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp; cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản; chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực; huy động vốn dưới mọi hình thức.
5. Căn cứ pháp lý
– Điều 201, 202, 203, 204, 205 Luật Doanh nghiệp 2014.
– Điều 59 Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Khoản 6 Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD năm 2015 quy định chi tiết về trình tự thủ tục giải thể.
BPLAW