LOẠI TÀI SẢN NÀO LÀ TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ HOẶC CỦA CHỒNG?
Trong thực tế, có những cặp vợ chồng cứ nhầm tưởng tất cả những tài sản trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợchồng. Tuy nhiên, không phải bất cứ tài sản nào trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung, nên chúng ta cần phải xác định rõ những loại tài sản nào là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng để tránh những tranh chấp về sau.
BP LAW xin lược thuật một số loại tài sản dưới đâyđể giúp cho các cặp vợ chồng, cũng như mọi người có nguồn thông tin tham khảo.
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn. (Khoản 1 Điều 43 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Người vợ đứng tên sở hữu một chiếc xe gắn máy trước khi kết hôn thì sau khi kết hôn chiếc xe máy được xem là tài sản riêng của người vợ.
- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. (Khoản 1 Điều 43 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Người chồng được cha, mẹ cho một chiếc ô tô trong thời kỳ hôn nhân hoặc được thừa kế khi cha, mẹ mất thì chiếc ô tô được xem là tài sản riêng của người chồng.
- Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng từ tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. (Khoản 1 Điều 43 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng nhưng đã được chia riêng trong thời kỳ hôn nhân theo thoả thuận của các bên thì khi ly hôn được xác định là tài sản riêng.
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; (Khoản 1 Điều 43 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Quần áo, giày dép, đồ dùng sinh hoạt cá nhân,…
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. (Khoản 2 Điều 43 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Ngôi nhà được xác định là tài sản riêng của vợ, khi vợ cho thuê căn nhà thì khoản tiền cho thuê từ căn nhà đó cũng là tài sản riêng của vợ. Chứng minh tương tự như tài sản riêng có trước hôn nhân.
- Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.(Khoản 1 Điều 33 Luật HNGĐ năm 2014). Ví dụ: Tương tự trường hợp tài sản được thừa kế, tặng cho riêng. Ngoài ra, quyền sử dụng đất mà người vợ nhận chuyển nhượng bằng tiền được xác định là tài sản riêng thì quyền sử dụng đất đó là tài sản riêng.
- Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng.(Khoản 1 Điều 40 Luật HNGĐ năm 2014). Tương tự như tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng, Sau khi vợ chồng đã chia tài sản chung theo thoả thuận thì những hoa lợi, lợi tức, tài sản hình thành từ tài sản riêng đã được chia đó. (Ví dụ: Tiền cho thuê nhà từ việc cho thuê nhà là tài sản riêng) thì được xác định là tài sản riêng.
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.(Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Ví dụ: Vợ/chồng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bất kỳ đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó là tài sản riêng của vợ/chồng.
- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.(Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Ví dụ: Vợ/chồng được thừa kế quyền sử dụng đất theo quyết định của toà án thì quyền sử dụng đất này là tài sản riêng của vợ/chồng.
- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.(Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP). Ví dụ: Chồng là thương binh được hưởng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì trợ cấp, phụ cấp đó là tài sản riêng của chồng.
- Quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.Các quyền tài sản gắn liền với nhân thân như quyền thừa kế, quyền cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe,… là quyền tài sản riêng của vợ/chồng.
Bất kỳ đôi nam nữ khi kết hôn nhưng không ai mong muốn hôn nhân tan vỡ để kéo nhau đến tòa giải quyết chuyện ly hôn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân – gia đình thì không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra, khi không cùng quan điểm sống, khi mục đích hôn nhân không đạt được nên dẫn đến ly hôn thì chúng ta cần nắm vững những kiến thức để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bản thân mình cũng là điều nên hiểu.