KHÓC RÒNG TỪ NHỮNG VỤ ÁN CHO MƯỢN, CHO Ở NHỜ TRÊN ĐẤT
Trong thực tiễn, khi giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến việc đòi lại đất cho mượn, cho ở nhờ là vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó vừa mang tính chất của các giao dịch dân sự lại vừa bị chi phối bởi chính sách pháp luật về đất đai trong từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi giai đoạn tương ứng với mỗi thời kỳ lịch sử thì chính sách pháp luật về đất đai cũng có sự thay đổi nhất định.
Đối với các giao dịch xảy ra đã lâu có thể cách đây vài chục năm khiến không ít quan Tòa lúng túng trong việc xử lý các vụ án. Bên cạnh đó, cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp một cách thống nhất, dẫn đến có sự nhận thức và quyết định khác nhau trong việc giải quyết tranh chấp. Đôi khi có những vụ án dân sự không có tính chất phức tạp nhưng bị kéo dài trong nhiều năm liền làm khổ thân cho nhiều đương sự.
Nhưng, điều đặc biệt là trong những vụ án như thế, luật sư nhận thấy có không ít những giọt nước mắt chảy ròng của những người vác đơn đi kiện là những ông cụ, bà cụ. Họ đi từ phiên tòa cấp sơ thẩm cho đến phiên tòa cấp phúc thẩm, đôi khi cả thủ tục khiếu nại giám đốc thẩm, thậm chí án bị hủy, nên họ phải trở lại từ đầu, khởi kiện để đòi lại đất trước sự gian trá, xảo quyệt, thủ đoạn nhằm cố tình không trả lại đất của người hay con, cháu của người đã từng mượn, ở nhờ trên phần đất của mình.
Họ khóc và uất ức trong đau đớn và thấm thía cuộc đời khi lòng bao dung của mình đặt không đúng chỗ, khi xưa cũng vì quá thương người mà hôm nay họ phải mất đi những phần đất do mồ hôi nước mắt của mình tạo nên, hoặc chỉ có thể nhận được một khoản tiền chênh lệch để gọi là nhận giá trị quyền sử dụng đất!
-BPLAW-