NHẬN DIỆN RỦI RO TRONG GÓP VỐN KINH DOANH
Phần 1
Góp vốn trong kinh doanh hay đầu tư trong kinh doanh được hiểu nôm na là nhà đầu tư bỏ ra khoản tài sản (tiền, vàng, tài sản khác…) nhằm để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc cùng nhau lập thành doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần…trong doanh nghiệp, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc theo hình thức thực hiện dự án đầu tư.
Trong hoạt động kinh doanh không ai mong muốn xảy ra những rủi ro về vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có rất nhiều dạng rủi ro trong việc góp vốn kinh doanh hay đầu tư trong kinh doanh. Một dạng rủi ro mà thực tế có rất nhiều người mắc phải vì có sự nhầm lẫn hoặc chưa rõ khái niệm cơ bản giữa từ ngữ “góp vốn” và từ ngữ “hợp đồng hợp tác kinh doanh” để khi vướng vào tranh chấp thì mới nhận ra.
***
Vụ việc thế này, vào một ngày đẹp trời, trong buổi “trà dư tửu hậu”, anh A là phó giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ B (“công ty”) bàn chuyện làm ăn với một số người bạn, đề nghị mọi người cùng góp vốn để trở thành thành viên của công ty và dùng khoản tiền này để mua xe vận tải nhằm kinh doanh, chia lợi nhuận. Các anh C, D, E và F nghe anh A nói chuyện bùi tai, thực tế thấy công ty cũng ăn nên, làm ra và thầm nghĩ sẽ cùng trở thành những người góp vốn trong công ty trong tương lai. Do vậy, các anh cùng góp chung 5 tỷ đồng vào công ty, các bên đã ký vào biên bản thỏa thuận góp vốn kinh doanh (“biên bản”) và anh A là người đại diện công ty, biên bản có đóng dấu đỏ của công ty hẳn hoi. Tuy nhiên, trong biên bản ghi rất sơ sài, mục đích góp vốn nhằm mua 4 chiếc xe tải để kinh doanh, không có từ ngữ nào thể hiện góp vốn nhằm trở thành thành viên trong công ty và các anh cũng không quan tâm đến những nội dung khác.
Sau khi đã ký biên bản, công ty dùng số tiền này mua 4 chiếc xe tải do công ty đứng tên làm chủ sở hữu. Một vài tháng đầu, các anh C, D, E và F được anh A trực tiếp chia lợi luận và được anh A hứa hẹn bằng lời nói sẽ sớm hoàn tất thủ tục để các anh có tên trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tư cách là thành viên góp vốn mới trong doanh nghiệp.
Thế nhưng gần một năm sau kể từ ngày các anh C, D, E và F ký biên bản, anh A chia lợi nhuận cho các anh cũng giảm dần, và cuối cùng anh A lẩn tránh không tiếp xúc với các anh. Quá bức xúc, các anh tìm đến công ty thì được biết công ty hoàn toàn không hay biết về khoản tiền này vì anh A không đưa vào tài khoản của công ty, cũng như không biết anh A đã ký biên bản với các anh nên công ty không chịu trách nhiệm.
Vụ việc đang trong quá trình các anh C, D, E và F lựa chọn nhằm tiến hành khởi kiện hay tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi của anh A và những vấn đề pháp lý có liên quan đến công ty…
***
Trong tình huống này, chúng ta chưa cần phải bận tâm tìm hiểu diễn biến vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào, mà cần quan tâm là chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì?
Những điều cần lưu ý:
Thực tế, trước khi góp vốn hay đầu tư kinh doanh, những nhà đầu tư, người góp vốn, người hợp tác kinh doanh… cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Biết, hiểu và cần phân biệt được khái niệm như thế nào là góp vốn và như thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh, không được nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Trong tình huống, anh A đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của các anh C, D, E và F nên đã đánh tráo khái niệm và lập lờ trong biên bản, cùng với những lời hứa hẹn đầy thuyết phục, hứa để các anh trở thành là thành viên góp vốn trong công ty, nhưng thực chất đó là sự thỏa thuận trong hợp tác kinh doanh, không phải là thủ tục góp vốn trong doanh nghiệp.
- Các anh C, D, E và F đã không quan tâm đến người có thẩm quyền ký biên bản, ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn, ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vì để trở thành là thành viên góp vốn trong công ty, các anh phải ký hợp đồng chuyển nhượng vốn với một trong các thành viên cũ hay toàn bộ trong công ty để nhận chuyển nhượng lại vốn hoặc theo hình thức, thỏa thuận khác và phải được sự xác nhận của người đại diện theo pháp luật của công ty, đồng thời phải thực hiện một loạt các thủ tục khác, phải đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp là hợp đồng hợp tác kinh doanh, anh A cũng không phải là người có thẩm quyền để ký biên bản hay ký hợp đồng hợp tác kinh doanh mà phải là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người đại diện theo ủy quyền và phù hợp với pháp luật. Các anh đã không yêu cầu người có thẩm quyền trong công ty ký biên bản, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn,…
- Trước khi thực hiện giao dịch, các anh C, D, E và F đã không tìm hiểu kỹ, cũng như yêu cầu anh A và công ty phải lập phiếu thu, chuyển khoản hợp lệ, thực hiện về hoạt động thu chi của công ty phải đảm bảo đúng pháp luật,…
- Có thể do sự nhầm lẫn hoặc chưa rõ khái niệm cơ bản giữa từ ngữ “góp vốn” và từ ngữ “hợp đồng hợp tác kinh doanh” nên các anh phải vất vả và phải thực hiện một hành trình dài mới hy vọng đòi lại được tổng số tiền là 5 tỷ đồng đã đưa cho anh A.
Mong rằng qua tình huống pháp lý này sẽ giúp cho những nhà đầu tư, người góp vốn, người hợp tác kinh doanh…biết, hiểu và phân biệt được khái niệm về “góp vốn” và khái niệm về “hợp đồng hợp tác kinh doanh” nhằm tránh được những rủi ro trong việc đầu tư kinh doanh.
“Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập” – Luật Doanh nghiệp năm 2014.
“Hợp đồng hợp tác kinh doanh (“BCC”) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm họp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế” – Luật Đầu tư năm 2014. |
BP LAW