CHUYỂN TIỀN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN CỦA NGƯỜI KHÁC, CÓ ĐÒI ĐƯỢC KHÔNG?
Hiện nay trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều các giao dịch cần phải thực hiện việc thanh toán và ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức chọn hình thức thanh toán, chuyển tiền thông qua tài khoản ngân hàng. Các giao dịch thường được sử dụng phương thức này như đặt cọc mua bán nhà đất, thanh toán hợp đồng mua bán, hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa hai doanh nghiệp, chuyển tiền cho người thân,…Phương thức này có nhiều ưu điểm như tiện lợi, nhanh chóng và an toàn đối với những giao dịch có giá trị lớn. Tuy nhiên, ngoài các ưu điểm thì phương thức này vẫn có thể gây ra những thiệt hại mà phổ biến nhất là việc chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác. Việc chuyển nhầm tiền có thể do nhầm số tài khoản, trùng tên người nhận,…số tiền chuyển nhầm có thể từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc hơn thế nữa. Vậy trong trường hợp này, số tiền chuyển nhầm có thể lấy lại được hay không và lấy lại như thế nào?
Có hai trường hợp là chuyển nhầm vào tài khoản cùng hệ thống ngân hàng và chuyển nhầm vào tài khoản khác ngân hàng, mỗi trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau và tùy vào từng ngân hàng. Và, cho dù ở bất kỳ trường hợp nào, nếu phát hiện có sự nhầm lẫn, tiền bị chuyển sai vào tài khoản khác thì việc đầu tiên là bạn nên liên hệ với ngân hàng của mình để được hướng dẫn và làm theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, cùng với đó là giữ lại tất cả hóa đơn, biên nhận, chứng từ,…liên quan đến việc chuyển tiền để cung cấp cho ngân hàng khi có yêu cầu trong quá trình giải quyết.
Đồng thời, bạn yêu cầu tra soát, rà soát đối với sai sót giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng. Khi đi bạn cần mang theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, hóa đơn chuyển khoản in ra từ máy ATM (nếu chuyển qua máy ATM) hoặc hóa đơn giao dịch (nếu chuyển khoản tại ngân hàng), và cung cấp thông tin về số tài khoản và chữ ký của bạn, số tài khoản chuyển nhầm, số tài khoản đúng mà bạn muốn chuyển đến.
Ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu nhầm lẫn hay sai sót sẽ thông báo cho chủ tài khoản và thực hiện phong tỏa, tạm khóa tài khoản cho đến khi làm rõ, khắc phục xong những sai sót trên.
Trong trường hợp tài khoản thụ hưởng đã bị “bỏ hoang” – lâu không có giao dịch mà ngân hàng cũng không liên hệ được với chủ tài khoản đó thì trong tài khoản sẽ vẫn còn số tiền bạn chuyển nhầm đến. Ngân hàng (nơi bạn chuyển khoản) có trách nhiệm thu hồi, chuyển tiền trả lại cho bạn.
CHUYỂN TIỀN NHẦM VÀO TÀI KHOẢN DƯỚI GÓC ĐỘ CỦA PHÁP LUẬT
Hiện tại pháp luật cũng đã có những quy định để giải quyết các trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản, theo đó ngân hàng phải có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ của mình để giúp khách hàng được hoàn lại tiền trong trường hợp có sai sót trong hoạt động chuyển tiền. Cụ thể, Thông tư số 23/2010/TT-NHNH của Ngân hàng Nhà nước quy định trường hợp chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác mà ngân hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền cho tài khoản thụ hưởng thì được xử lý theo quy định sau:
– Trường hợp tài khoản của khách hàng có đủ số dư: Ngân hàng căn cứ vào yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán để chuyển trả lại số tiền chuyển thừa;
– Trường hợp tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì ngân hàng nơi có tài khoản nhận ghi nhập sổ theo dõi yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán chưa được thực hiện. Đồng thời, yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền, ngân hàng thực hiện chuyển trả lại số tiền chuyển thừa như trường hợp trên.
– Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì ngân hàng nơi có tài khoản nhận phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án,…để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền.
Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì ngân hàng được từ chối yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán; lập thông báo từ chối, ghi rõ lý do từ chối kèm theo số tiền thu hồi được (nếu có). Sau đó, gửi trả lại ngân hàng nơi có tài khoản chuyển tiền. Đồng thời, ghi xuất sổ theo dõi yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán chưa được thực hiện.
Trong trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm nếu không trả lại số tiền chuyển nhầm thì được giải quyết như thế nào?
Khởi kiện dân sự yêu cầu hoàn trả toàn bộ số tiền
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, nếu một người nhận được số tiền bị chuyển nhầm vào tài khoản của mình mà không có các căn cứ theo quy định của pháp luật thì có thể được xem là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật theo Điều 165 Bộ Luật dân sự 2015, chủ sở hữu của số tiền nào có quyền yêu cầu người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật trả lại số tiền và người nhận số tiền chuyển nhầm tức người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó. Cụ thể, Điều 165 quy định như sau:
“Điều 165. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật
1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định
2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”.
Dựa vào các quy định trên, nếu như người nhận tiền chuyển nhầm không hoàn trả hoặc không hợp tác thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu thì bạn có quyền khởi kiện dân sự đến tòa án yêu cầu người nhận tiền hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận.
Trách nhiệm hình sự khi không hoàn trả lại số tiền đã bị chuyển nhầm
Bên cạnh có, người nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản của mình mà không trả lại, nếu như có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị khởi tố về tội Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể Điều 176 quy định:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Căn cứ vào điều này, khi số tiền bị chuyển nhầm lên đến 10.000.000 đồng và người nhận tiền chuyển nhầm cố ý chiếm giữ, không trả lại cho chủ sở hữu thì bạn ngoài nộp đơn khởi kiện dân sự ở tòa án còn có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết.
Tóm lại, khi bạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác thì hoàn toàn có căn cứ để được hoàn lại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường hợp nào yêu cầu hoàn tiền cũng được giải quyết dễ dàng và suôn sẻ. Có những trường hợp vô cùng rắc rối, thời gian giải quyết kéo dài, kết quả nhận lại cũng không như mong muốn. Chính vì vậy, trước hết bạn nên cẩn thận khi sử dụng hình thức giao dịch bằng tài khoản để tránh xảy ra những rắc rối và thiệt hại không đáng có.
BP LAW