Một căn hộ bán cho nhiều người, có tội hay không?
(PL)- CQĐT xác định có dấu hiệu của tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản nên khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam nhưng VKS hủy bỏ quyết định…
Năm 2012, ông Vũ Đăng Phúc ký 12 hợp đồng mua bán căn hộ, sàn thương mại chung cư Gia Phú tại quận Thủ Đức (TP.HCM) với Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú với giá trị tổng cộng hơn 24 tỉ đồng.
Một căn hộ bán cho nhiều người
Theo nội dung các hợp đồng, Công ty Gia Phú phải bàn giao căn hộ và sàn thương mại cho ông Phúc trong quý IV-2012 nhưng đến đầu năm 2017, công ty này vẫn chưa bàn giao. Ông Phúc tìm hiểu thì được biết ông Nguyễn Hùng Nghiêm (đại diện phụ trách điều hành Công ty Gia Phú) bán một căn hộ cho nhiều người, trong đó có căn hộ ông đã mua và thế chấp căn hộ đã bán cho khách hàng để vay tiền.
Vì vậy, ngày 13-2-2017, ông Phúc làm đơn yêu cầu Công an TP.HCM khởi tố ông Nghiêm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 21-2-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra phiếu đề xuất xử lý đơn của ông Phúc. Trong phiếu đề xuất này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận định: Vụ này do điều tra viên (ĐTV) Hải Triều – Đội 8 thụ lý giải quyết, đã đình chỉ điều tra vụ án. Tuy nhiên, đây là nguyên đơn mới và có bốn căn hộ bán trùng với các nguyên đơn trong vụ án do ĐTV Triều thụ lý, một căn hộ ký bán cho nhiều người, có dấu hiệu của tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Để xem xét một cách toàn diện, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM chuyển cho Đội 8 giải quyết theo quy định.
Chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM), nơi ông Phúc tố bị mất tiền nhưng không được giao căn hộ, sàn thương mại. Ảnh: Y.CHÂU
Công an từng khởi tố, VKS hủy bỏ
Tháng 7-2017, ông Phúc nhận được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đề ngày 31-8-2016.
Theo thông báo này, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận thấy ông Nghiêm sau khi ký hợp đồng bán căn hộ rồi tiếp tục đem căn hộ đã bán thế chấp vay tiền thể hiện bằng hợp đồng mua bán, có dấu hiệu của tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, ngày 25-4-2015, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án. Ngày 21-12-2015, cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Nghiêm về tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản và chuyển hồ sơ sang VKSND TP.HCM đề nghị phê chuẩn các quyết định này.
Tuy nhiên, VKSND TP đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can, đồng thời không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam đối với ông Nghiêm. Theo VKS, “với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thể hiện ông Nghiêm vẫn còn 16 căn hộ và ba sàn thương mại, tổng giá trị hơn 81 tỉ đồng chưa bán; 10 căn hộ còn lại chưa thể hiện rõ. Ông Nghiêm khai những hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ nên chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán. Do vậy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”. Từ đó, ngày 31-8-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Lý do hủy không thuyết phục
Để làm rõ hơn sự việc, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM.
Về việc CQĐT có đồng tình với lý do của VKSND TP đưa ra khi hủy quyết định khởi tố bị can hay không, ĐTV Hải Triều (ĐTV giải quyết vụ án) không bày tỏ quan điểm và cho biết quyết định đó là của VKS nên đề nghị PV liên hệ với VKS.
Đại diện VKSND TP thì lý giải vào thời điểm ban hành quyết định trên, VKS đã căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cho thấy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Lý do mà VKS đưa ra là đúng theo quy định của pháp luật, VKS đã căn cứ vào các điều 36, điều 112, điều 126 BLTTHS 2003 để ban hành quyết định.
Trong khi đó, nhận xét về mặt pháp lý, một số chuyên gia và luật sư Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam) đều cho rằng lý do hủy quyết định khởi tố của VKS là không thuyết phục.
Luật sư Hiệp phân tích: VKS cho rằng ông Nghiêm còn tài sản, mặt khác ông này khai bán trùng căn hộ là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ, bị chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm là vô lý. Ông Nghiêm còn bao nhiêu căn hộ không quyết định việc ông có phạm tội hay không. Dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Ở đây, ông Nghiêm bán một căn hộ cho nhiều người và dùng căn hộ đã bán đi thế chấp là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng, khi khách hàng giao tiền là tội phạm đã hoàn thành. Việc ông Nghiêm còn bao nhiêu căn hộ chưa bán chỉ có ý nghĩa trong việc khắc phục hậu quả về sau.
Bên cạnh đó, việc ông Nghiêm khai bán trùng căn hộ do bị chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán là lời khai một phía. Nó còn không hợp lý ở chỗ ông Nghiêm vẫn còn những căn hộ chưa bán thì tại sao lại không ký hợp đồng mua bán những căn hộ đó với chủ nợ mà lại bán chính những căn hộ đã bán cho khách hàng?
Vì sao kết quả giải quyết tố giác có trước đơn tố giác?
Cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM dùng thông báo giải quyết đơn tố giác của những người khác để giải quyết đơn tố giác của mình dẫn đến sự không hợp lý về mặt thời gian (thông báo kết quả giải quyết tố giác có trước đơn tố giác), ông Phúc đã gửi đơn khiếu nại đến giám đốc Công an TP.HCM, Phòng CSĐT Công an TP.HCM. Trao đổi với PV, ĐTV Hải Triều (ĐTV giải quyết vụ án) lý giải: Ngày 25-4-2015, CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án và đây là vụ án CQĐT khởi tố không phải theo yêu cầu của người bị hại. Trong quá trình điều tra, CQĐT đã mời tất cả các bên đến làm việc, trong đó có người liên quan, người bị hại. Ông Phúc đã được CQĐT lấy lời khai vào ngày 29-9-2015 với tư cách người liên quan. Thời điểm này ông Phúc không gửi đơn tố cáo ông Nghiêm. Sau khi VKSND TP hủy quyết định khởi tố bị can, không phê chuẩn lệnh bắt tạm giam bị can, CQĐT đã đình chỉ điều tra vụ án và ban hành thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngày 31-8-2016. Thông báo này gửi cho tất cả các bên liên quan, trong đó có ông Phúc. Ngày 13-2-2017, ông Phúc gửi đơn tố cáo ông Nghiêm, đơn này chỉ bổ sung vào lời khai ngày 29-9-2015 chứ không có thông tin gì mới. Vì vậy, CQĐT gửi lại thông báo ngày 31-8-2016 cho ông Phúc. Theo ĐTV Hải Triều, việc điều chỉnh thời gian trên thông báo này là không cần thiết. |