TRƯỜNG HỢP NÀO NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI KHÔNG ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
Người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật Lao động của Việt Nam. Người lao động nước ngoài cần phải được cấp giấy phép lao động theo đúng quy định pháp luật thì mới có thể làm việc tại Việt Nam (trừ một số trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động được quy định trong Bộ luật Lao động). Vậy trong trường hợp nào thì người lao động nước ngoài có thể bị từ chối cấp giấy phép lao động?
Khi sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đó nếu không thuộc diện không cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Để được cấp giấy phép lao động, người lao động nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau được theo quy định tại Điều 9 Nghị định 11/2016/NĐ-CP:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.
- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
- Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Vậy, người lao động nước ngoài không đáp ứng được các điều kiện này sẽ không được cấp giấy phép lao động.
Ngoài ra, các trường hợp không đủ điều kiện về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép lao động cũng sẽ bị từ chối cấp phép, ví dụ: đối với giấy chứng nhận về sức khoẻ, giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 12 tháng và còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động. Nếu giấy chứng nhận hết thời hạn quy định nêu trên, phải bổ sung giấy chứng nhận phù hợp, ngoài ra phiếu lý lịch tư pháp cũng phải còn hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp.
Trên đây là các trường hợp người lao động nước ngoài không được cấp giấy phép lao động và không thể làm việc tại Việt Nam nếu không có giấy phép lao động. Khác với các trường hợp này, Bộ luật Lao động cũng quy định các trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, nghĩa là những người lao động này không cần phải xin giấy phép lao động cũng có thể làm việc tại Việt Nam nhưng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau:
Điều 154 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động:
- Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.
- Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.
- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.
- Là luật sư nước ngoài đã được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư.
- Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
- Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.
Dựa vào các quy định trên, có thể xác định các đối tượng lao động nước ngoài thuộc diện không cấp giấy phép lao động. Tuy không thuộc diện không cấp giấy phép lao động nhưng người sử dụng lao động trong trường hợp này cũng phải thực hiện thủ tục đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc đề nghị xác nhận đối tượng người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật.
Nói tóm lại, khi người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam một cách hợp pháp.
BPLAW