NHỮNG NHÓM RỦI RO PHÁP LÝ PHỔ BIẾN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển không những phải kiểm soát các rủi ro trong chính sách, chiến lược kinh doanh mà còn phải kiểm soát được những rủi ro về pháp lý.
Rủi ro pháp lý là một trong những nội dung quan trọng mà các doanh nhân, doanh nghiệp cần phải biết cơ bản để giúp cho hoạt động kinh doanh được thuận lợi, đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất những tổn thất cho doanh nghiệp nếu có.
BP Law xin lược thuật dưới đây những nhóm rủi ro pháp lý khá phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp trong quá trình hoạt động kinh doanh:
- Nhóm rủi ro trong nội bộ doanh nghiệp
Rủi ro trong quản trị doanh nghiệp:
– Các vấn đề quản trị doanh nghiệp có thể kể đến như: tranh chấp giữa những thành viên góp vốn, cổ đông trong vấn đề góp vốn, định giá tài sản, định giá phần vốn góp, thời hạn góp vốn…
– Tranh chấp giữa những người sáng lập, chủ sở hữu với người quản lý, điều hành doanh nghiệp trong việc điều hành, quản lý doanh nghiệp, không thống nhất các nội dung, vượt quá thẩm quyền cho phép…
– Rủi ro pháp lý trong việc ra nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên, hội đồng quản, đại hội đồng cổ đông như: quyết định, nghị quyết không đúng thẩm quyền, nội dung nghị quyết, quyết định không phù hợp với quy định của pháp luật…
– Nội quy, quy chế của doanh nghiệp chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Rủi ro trong mối quan hệ với người lao động:
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
– Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm xã hội.
– Quy trình, nội dung xử lý kỷ luật lao động đặc biệt là xử lý kỷ luật lao động sa thải.
- Nhóm rủi ro pháp lý bên ngoài doanh nghiệp
– Nổi bật nhất trong nhóm rủi ro pháp lý giữa doanh nghiệp với mối quan hệ bên ngoài chính là tranh chấp giữa doanh nghiệp với đối tác kinh doanh, khách hàng trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ… trong đó việc thoả thuận chưa cụ thể, thiếu các điều khoản trong hợp đồng là một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tranh chấp hợp đồng. Ngoài ra, việc thực hiện nghĩa vụ chưa đúng, không thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc những nguyên nhân khách quan, sự kiện bất khả kháng không có sự đo lường cẩn thận trước khi ký hợp đồng cũng là những nguyên nhân gây ra tranh chấp hợp đồng.
– Tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có thể kể đến như: việc bị sao chép nhãn hiệu, sao chép logo, bộ nhận diện thương hiệu…; tranh chấp trong vấn đề chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương hiệu…
– Rủi ro pháp lý trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước mà cần lưu ý nhất là việc thực hiện nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, ngoài ra còn những nghĩa vụ, quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp; cấp phép hoạt động, kinh doanh…; Doanh nghiệp cần lưu ý các quy định của pháp luật để tránh việc bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Rủi ro pháp lý khi thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi cạnh tranh không phù hợp với quy định của pháp luật….
Trong thực tế, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề rủi ro pháp lý khác, nhưng tựu chung lại thì những loại rủi ro pháp lý ấy đều thuộc nhóm rủi ro pháp lý liên quan bên trong và bên ngoài đối với doanh nghiệp.
Trên đây là những nhóm rủi ro pháp lý cơ bản mà doanh nghiệp cần nhận diện trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhận diện những rủi ro pháp lý này giúp doanh nghiệp tránh được những tổn thất, giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra một cách suôn sẻ, thuận lợi.
———-
Thông tin hỗ trợ pháp lý:
BP LAW – LUẬT SƯ DOANH NGHIỆP & LUẬT SƯ GIA ĐÌNH
Trụ sở: A5-28 Tòa nhà EverRich Infinity, 290 An Dương Vương, phường 4, quận 5, TP.HCM
W: www.bplaw.com.vn
Hotline: 0837 300 033