NHỮNG LƯU Ý VỀ THẺ TẠM TRÚ CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THEO QUY ĐỊNH MỚI NHẤT
Thực tế hiện nay, không ít doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề thẻ tạm trú để được phép ở Việt Nam có thời hạn tương dài, nhằm ổn định công việc đầu tư, kinh doanh,…Tuy nhiên, có những quy định mới mà không ai cũng có thể hiểu một cách tường tận để thực hiện thủ tục dễ dàng.
Do vậy, BP Law cập nhật, lược thuật một số nội dung mới nhất theo quy định của pháp luật về thẻ tạm trú nhằm giúp cho mọi người hiểu đúng và thuận lợi khi tiến hành thủ tục để cho người nước ngoài sớm sở hữu tấm thẻ tạm trú tại Việt Nam.
- Thẻ tạm trú là gì?
Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.
Khi được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp; được miễn thị thực khi xuất cảnh nhập cảnh, xuất, nhập cảnh nhiều lần không phải tốn phí gia hạn visa; ở Việt Nam suốt trong thời hạn của thẻ tạm trú mà không phải tiến hành gia hạn visa nhiều lần; có thể mua căn hộ; ở lâu dài tại Việt Nam trong thời gian thẻ tạm trú còn hịêu lực mà không phải xuất cảnh khỏi Việt Nam; có thể tiến hành các thủ tục kinh doanh, kết hôn.
- Những ai được cấp thẻ tạm trú?
– Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ; Người nước ngoài vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Người nước ngoài người vào làm việc với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Người nước ngoài là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
– Người nước ngoài vào thực tập, học tập tại Việt Nam;
– Phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam;
– Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
– Người nước ngoài là người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;
– Người nước ngoài vào lao động tại Việt Nam, có giấy phép lao động đang làm việc tại các loại hình doanh nghiệp, VPĐD các công ty nước ngoài;
– Người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
So với quy định trước đây, Luật Xuất nhập cảnh đã có những thay đổi, bổ sung ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấp thị thực và thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Trước đây các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực ĐT tương tự thẻ tạm trú kí hiệu ĐT có thời hạn không quá 05 năm. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực phân loại theo vốn đầu tư, trong đó: Thị thực kí hiệu ĐT1 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định; ĐT2 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định; ĐT3 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 03 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng; ĐT4 – Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị dưới 03 tỷ đồng.
Cùng với quy định đó, quy định hiện hành chỉ cho phép cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư có thị thực ký hiệu ĐT1, ĐT2, ĐT3 đồng nghĩa với nhà đầu tư có vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Thời hạn tạm trú của nhà đầu tư cũng được thay đổi theo quy định mới, tương tự thẻ tạm trú ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm, thẻ tạm trú ĐT2 có thời hạn không quá 05 năm và thẻ tạm trú ĐT3 không quá 03 năm.
- Khai báo tạm trú
Người nước ngoài phải khai báo tạm trú khi cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Có thể khai báo bằng phiếu khai báo tạm trú tại công an cấp xã nơi người nước ngoài cư trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi đến đăng ký tạm trú. Hoặc khai báo điện tử trên cổng thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở lưu trú.
- Hồ sơ, trình tự thủ tục xin cấp thẻ tạm trú
Tuỳ từng trường hợp cụ thể, nguời xin cấp thẻ tạm trú chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật, nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố nơi người nước ngoài lưu trú.
Hồ sơ xin cấp thẻ tạm trú:
– Bản gốc hộ chiếu
– 02 ảnh 2x3cm
– Phiếu khai báo tạm trú mới nhất hoặc thông tin khai báo tại cổng thông tin điện tử
– Mẫu đơn theo quy định (NA7, NA8 đối với trường hợp cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài là vợ/chồng/bố/mẹ/con của người Việt Nam; NA5, NA6, NA8, NA16 đối với trường hợp cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư, người lao động…)
– Các giấy tờ chứng minh điều kiện được cấp thẻ tạm trú như: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứng nhận góp vốn…)
– Ngoài ra các doanh nghiệp cần các giấy tờ, tài liệu chứng minh tình hình hoạt động của doanh nghiệp khi mời, bảo lãnh người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam.