Thay đổi một loạt quy định mới liên quan đến kinh doanh
(PLO)- Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực; trường hợp người đại diện theo pháp luật bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị tạm giam… cá nhân được ký thay.
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp. Dự thảo này có nhiều điểm mới.
Cụ thể để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho các Phòng Đăng ký kinh doanh thống nhất thực hiện, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.
Trường hợp người đại diện theo pháp luật bỏ trốn khỏi nơi cư trú, bị tạm giam, bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được bản thân hoặc từ chối ký tên vào văn bản ủy quyền thì người ký là một trong các cá nhân sau đây:
– Chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là cá nhân;
– Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có chủ sở hữu là tổ chức;
– Chủ tịch hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
– Chủ tịch hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.
Điều này sẽ góp phần nâng cao sự chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Về hồ sơ, thủ tục đăng ký chuyển đổi doanh nghiệp tư nhânthành công ty cổ phần
Theo quy định hiện hành tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 78/2015 thì chỉ có quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH và công ty TNHH chuyển thành công ty cổ phần; tuy nhiên, không có quy định về việc chuyển đổi trực tiếp doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần.
Do đó, trên thực tế, để chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, doanh nghiệp phải thực hiện thành hai bước chuyển đổi loại hình doanh nghiệp như trên. Điều này đã tạo ra gánh nặng về thời gian và chi phí không cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trong khi đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cho phép hộ kinh doanh được chuyển đổi trực tiếp thành công ty cổ phần. Do vậy, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong quá trình tổ chức quản lý và hoạt động, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần.
Về việc cấp giấy xác nhận ngành, nghề kinh doanh
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ bao gồm một số nội dung cơ bản như: Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, vốn điều lệ…
Do đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tham gia giao dịch, ký kết hợp đồng đầu tư, kinh doanh, Dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về việc Phòng Đăng ký kinh doanh cấp giấy xác nhận ngành, nghề kinh doanh theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Về con dấu của doanh nghiệp: Phát huy tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trên các giấy đề nghị, thông báo trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Đối với những mẫu con dấu có nội dung vi phạm quy định tại Nghị định số 96/2015/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định đưa ra cơ chế xử lý, theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo vi phạm và tiến hành gỡ bỏ nội dung mẫu con dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả chức năng công bố thông tin của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn về trường hợp thông báo sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đã được đăng tải trên cổng thì những thông báo của các lần trước đó không còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, dự thảo nghị định đã bổ sung quy định về việc doanh nghiệp không cần nộp hồ sơ bằng bản giấy đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp đã thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu qua mạng điện tử.
Về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định hiện nay tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì trường hợp cần xác minh hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để làm cơ sở thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi văn bản đề nghị cơ quan công an xác định hành vi giả mạo.
Để xác định cụ thể cơ quan công an có thẩm quyền xác định giả mạo, căn cứ quy định tại Luật Giám định tư pháp, dự thảo nghị định đã quy định cơ quan công an có trách nhiệm xác định hành vi giả mạo gồm Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an và Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.
Ngoài ra, theo quy định về trình tự, thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với một số trường hợp quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đến trụ sở của Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo về hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế thi hành cho thấy nhiều doanh nghiệp khi nhận thông báo có đến Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình nhưng nội dung giải trình không phù hợp, gây khó khăn, lúng túng cho Phòng Đăng ký kinh doanh trong việc thực hiện quy định.
Do vậy, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về việc Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không đến giải trình hoặc nội dung giải trình không phù hợp.
Về việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Theo đó, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan tiếp nhận và xử lý đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp của hộ kinh doanh.